Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Nuôi cá rồng đỏ tiền bạc 'ào ạt' vào nhà

 Cá rồng là loài cá phong thủy sở hữu một ngoại hình vô cùng nổi bật nhờ mang chiếc vảy óng ánh, giống như chúng đang khoác lên người một bộ giáp bằng kim loại quý. Loài cá này được coi hiện thân của loài rồng cao quý nên trong những năm gần đây bể cá rồng đẹp là một trong những sự lựa chọn ưu tiên số một của những người yêu thích cá cảnh.

Về mặt phong thủy, cá rồng sẽ đem đến tài lộc, sự bình an thịnh vượng và thuận lợi trong cuộc sống. Cá rồng là loài cá được đặc biệt tôn sùng ở Trung Quốc, Vào năm 2009, một con cá rồng tại Trung Quốc đã được bán với giá 300.000 USD (6,9 tỷ đồng) đắt hơn cả siêu xe Lamborghini. Họ tin rằng cá rồng không những đem lại giàu sang mà còn giúp gia chủ trấn an gia trạch, trừ tà ma.

Muốn tiền bạc ào ạt vào nhà hãy nuôi cá rồng đỏ

                                 Nuôi cá rồng đỏ tiền bạc 'ào ạt' vào nhà


Màu sắc khác nhau của cá sẽ phù hợp với những gia chủ khác nhau. Trong đó, cá màu đỏ được cho là giúp gia chủ có được nhiều tài lộc và tránh đi những xui xẻo, tai ương nên được nhiều người lựa chọn nhất. Ngoài ra, các loại cá rồng trắng, cá rồng vàng giúp gia chủ có được sự thăng tiến nhanh chóng và tài lộc đuề huề. Chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về những công dụng này nhưng chắc chắn một bể cá rồng sẽ giúp không gian phòng khách trở nên đẹp, sang trọng hơn nhiều. Cá phong thủy cũng giúp cho bạn cảm thấy vững tin về mặt tinh thần, nhờ đó mà sự nghiệp, công danh cũng trở nên suôn sẻ hơn.

Vị trí đặt bể cá quan trọng không kém màu sắc của cá. Theo đó, hướng tốt nhất là hướng Bắc thể hiện sự may mắn, hướng Đông Nam tượng trưng cho tiền tài, danh vọng.

Muốn tiền bạc ào ạt vào nhà hãy nuôi cá rồng đỏ

Khi nuôi cá rồng, gia chủ nên tìm hiểu sâu về thức ăn của chúng. Cá rồng rất háu ăn nhưng cũng dễ chán bữa. Vì vậy, hãy nhớ đổi món cho chúng thường xuyên.Chúng có thể ăn khá nhiều loại khác nhau như: Tôm,  rết, gián, chuột bao tử, tôm, chạch, lươn, thạch sùng,…

Muốn tiền bạc ào ạt vào nhà hãy nuôi cá rồng đỏ

28 đến 30 độ C là nhiệt độ tốt nhất cho cá rồng sinh trưởng phát triển. Đối với nơi có khí hậu lạnh cần sử dụng thêm các thiết bị làm ấm nước, để đảm bảo cho cá sống khỏe mạnh.

Nuôi thú cưng cũng cần hợp mệnh để 'tiền tài về như thác đổ'

 Nuôi thú cưng là sở thích của rất nhiều gia đình. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, việc nuôi thú cưng còn có thể đem lại may mắn, tiền tài nếu chúng ta biết lựa chọn vật nuôi hợp mệnh. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Mệnh Kim hợp nuôi thú cưng nào

Trong thuyết ngũ hành, người mệnh kim hợp với các loài chim nhất đặc biệt là người tuổi Tỵ, Ngọ. Riêng người tuổi Dần, Mùi không nên chọn chim nuôi vì gây ra điều xấu, ngũ hành bản mệnh của họ thuộc Mộc, mà Kim khắc Mộc. Người mệnh Kim cũng hợp nuôi mèo vì mèo thuộc Mộc, Kim có thể át chế Mộc. Các chú mèo được người mệnh Kim nuôi sẽ ngoan ngoãn, vâng lời hơn.

Nuôi thú cưng cũng cần hợp mệnh để tiền tài về như thác đổ

           Nuôi thú cưng cũng cần hợp mệnh để 'tiền tài về như thác đổ'


Mệnh Mộc hợp nuôi thú cưng nào

Người mệnh Mộc nên nuôi chó vì chó thuộc hành Thổ, dễ dàng tuân phục bởi những người mệnh Mộc. Trong đó, người tuổi Mão, Dần thích hợp nuôi chó nhất. Để mang đến nhiều tài lộc, thịnh vượng thì các gia chủ mệnh Mộc cũng có thể lựa chọn nuôi cá. Trong đó, nuôi 1 con cá màu đen và 8 con cá màu vàng là hợp lý nhất.

Mệnh Thủy hợp nuôi thú cưng nào

Thủy vốn là nước nên người thuộc hành Thủy dù là nuôi con vật như cá cảnh và rùa đều hợp mệnh. Khi chọn nuôi cá bạn có thể chọn những loại cá như cá vàng, cá koi, cá rồng đen, cá huyền anh vũ, … Mệnh Thủy cũng hợp nuôi rùa, rùa là loài vật thuộc hành Hỏa, do Thủy thắng Hỏa nên sẽ đem lại sự cát tường khiến mọi việc đều suông sẻ, như ý cho người mệnh thủy.

Nuôi thú cưng cũng cần hợp mệnh để tiền tài về như thác đổ

Mệnh Hỏa hợp nuôi thú cưng nào

Theo phong thủy, nuôi chim sẽ mang lại thịnh vượng cho người mệnh Hỏa. Việc chăm sóc chim sẽ giúp người mệnh này khắc chế tính nóng nảy, sử bộc phát, trở nên hiền hòa, kiên nhẫn, tỉ mỉ hơn. Ngoài ra, chim thuộc hành Kim sẽ không át chế hỏa. Chúng sẽ nằm trong tầm kiểm soát của người mệnh Hỏa.

Mệnh Thổ hợp nuôi thú cưng nào

Nuôi cá sẽ giúp tăng thêm sự quyến rũ và nhân duyên cho người mệnh Thổ trong tình cảm. Đồng thời, họ cũng sẽ thu được tài lộc, may mắn trong kinh doanh. Trong phong thủy, cá thuộc dương Thủy, có khả năng mang đến trí tuệ, tiền bạc, vận may. Nước cũng sẽ tưới cho đất thêm màu mỡ, tơi xốp.

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Cá la hán đầu gù như của ông tiên

 Cá La Hán là một trong những loài cá cảnh nhiệt đới được ưa chuộng trên thế giới. Từ những năm 2000 nó đã trở thành "cơn sốt" đối với những người mê cá cảnh. Chúng được yêu thích do có hình dáng đẹp, mạnh mẽ và màu sắc sặc sỡ ở hai bên hông, chiếc đầu gù to lên giống như của một ông tiên nên có tên gọi là La Hán. Người ta quan niệm loài cá này đem lại sự thịnh vượng và may mắn từ thân hình lấp lánh nhiều ánh châu và chiếc đầu gù to dị dạng khiến loài cá này càng trở nên đẹp và ngộ nghĩnh.

Đặc trưng của cá La Hán là cái đầu to trong ngộ nghĩnh.


Ông Trần Văn Tân (chủ cửa hàng cá cảnh Minh Tân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, loài cá này có tuổi thọ khá cao có thể đến 10 năm và sức khỏe cũng khá tốt. Chúng có đuôi xòe đẹp và vây thường kéo dài, mắt không to, hai mang ngắn. Cá La Hán trưởng thành có kích thước từ 25 cm hoặc 30 cm tùy loài. giá loài cá La Hán dao động tùy thuộc vào kích cỡ, nếu mua loài cá vừa ương từ cá bột lên thì chỉ có giá vài chục nghìn đồng nhưng với loài cá này khi còn nhỏ rất khó, dễ chết nên ít người chọn mua cá nhỏ. Cá trưởng thành thì có giá từ 200.000 đồng/con đến 650.000 đồng/con tùy kích cỡ, màu sắc.

Để chọn mua được một chú cá La Hán đẹp và khỏe cần chú ý đến thân mình cá phải nhiều "châu" tức là những vảy cá óng ánh, màu sắc sặc sỡ và cái đầu phải có cái gù càng to thì càng có giá trị. Cá La Hán sinh sản khá dễ nhưng để khi cá trưởng thành có màu sắc đẹp và đầu gù to thường chiếm tỷ lệ khá thấp trong đàn cá, từ 10% đến 30% cho dù cá cha và cá mẹ đều đẹp.

Cá dễ nuôi vì cá mạnh khỏe, ít bệnh lại ăn tạp, chủ yếu những thức ăn sống như tôm tép, ốc, cá con và thịt bò băm nhuyễn (khó tiêu). Nên cho cá ăn nhiều lần trong ngày, có thể xen lẫn thức ăn tươi sống và thức ăn chế biến, cho cá ăn điều độ điều này sẽ giúp giảm sự ô nhiễm và tăng sức khỏe cho cá. Ngoài ra, độ đậm của màu sắc trên mình cá hầu như phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống, việc ăn uống quá mức sẽ làm cá sẫm màu hơn và việc này cũng không có lợi vì trong cá chứa lẫn hóa chất có hại cho sức khỏe.

Môi trường nuôi thích hợp cho cá là có độ pH từ 6-8. Nhiệt độ thích hợp tốt nhất từ 26-30 độ C. Để duy trì môi trường ổn định cần thay nước 1 tuần/lần, mỗi lần thay 1/3-1/2 lượng nước trong hồ, nên cho thêm san hô, sỏi vào bể để duy trì độ pH ổn định. Nuôi cá La Hán không cần hệ thống lọc nước thì chúng vẫn sống tốt, nhưng khi có thêm hệ thống lọc thì nguồn nước sẽ sạch hơn và cá phát triển tốt hơn. Nên đặt đèn để cung cấp cho chúng ánh sáng, điều đó sẽ giúp lớp vảy cứng cáp và có màu sắc rực rỡ.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Kỹ thuật cách nuôi giống chó Shar pei hay chó Sa Bì

 Giống chó Shar pei hay còn gọi là Sa Bì là một giống chó có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Giống chó này hiện được nhiều người ưa chuộng nuôi là thú cưng vì bản tính năng động và hết sức dễ thương. Chó khi trưởng thành có thể đạt chiều cao khoảng 40– 60 cm Trọng lượng- 20– 25 kg, chúng có loại lông ngắn, nhiều màu.

Chó Shar Pei khá hiền lành, tình cảm và quấn chủ. 

Đặc điểm nổi bật nhất của chó Shar Pei là lớp da nhăn nheo, xếp thành từng nếp trên khắp cơ thể và mặt. Chó Shar Pei có cái đầu lớn, miệng rộng, lưỡi màu xanh đen (huyền đề), mũi lớn và tai nhỏ xíu trên đỉnh đầu. Mắt Shar Pei rất nhỏ và bị che bởi các nếp nhăn phía trên mắt. Chúng thường bị mắc một dị tật gọi là mắt cụp khiến cho lông mi cọ vào mắt, lâu dần sẽ khiến chúng bị bị đau mắt và giảm thị lực.

Theo ông Nguyễn Văn Tú (chủ cửa hàng bán chó cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám), do là giống chó hiếm ở Việt Nam, khó nuôi và tuổi thọ ngắn nên có giá khá "chát" vào khoảng 8 – 15 triệu/con. Chó Shar Pei nhìn chung khá hiền lành, tình cảm và quấn chủ, tuy nhiên không phải là giống chó thân thiện với tất cả mọi người, chúng thường rất cảnh giác với người lạ, ít lại gần và hiếm khi ăn những thứ người lạ cho.

Chúng cũng là giống chó trông nhà và bảo vệ rất tốt, dù thính giác và thị lực không được tốt nhưng có tinh thần cảnh giác cao, dũng cảm và sẵn sàng tấn công nếu bị đe dọa. Giống chó Shar Pei thích có một không gian sống rộng rãi và được vận động thoải mái, loài vật nuôi này cũng khá hiếu động vì vậy cần phải thường xuyên cho chúng chạy bộ và đi dạo để kích thích tinh thần và ngăn ngừa việc chúng lười biếng và béo phì vì loài chó này phàm ăn. Chúng khá nhạy cảm với thời tiết quá nóng.

Với loài chó này, khi huấn luyện cần phải kiên nhẫn, chủ luôn phải theo sát. Hàng ngày cần làm vệ sinh cơ thể cho chó, đặc biệt là ở các lớp da nhăn của chúng. Với chế độ ăn uống cần phải cẩn thận vì giống chó này rất dễ bị béo phì và mắc các bệnh về dạ dày và da.

Loài chó này có tuổi thọ trung bình từ 8 - 10 năm. Dễ gặp các vấn đề sức khỏe về dị ứng da, viêm tai ngoài, suy giáp, sai khớp xương bánh chè và các vấn đề nhỏ như quặm và loạn sản xương hông. Chúng cần phải được đưa đến bác sĩ thú y để kiểm tra về tình trạng xương hông, mắt, đầu gối, khuỷu tay và các bệnh về da.


Kỹ thuật cách nuôi chó Shih Tzu

 Chó Shih Tzu hay còn gọi là Thạch sư khuyển hoặc chó sư tử đá. 

Đây là giống chó cảnh có nguồn gốc từ Tây Tạng, giống chó này có vẻ mặt dịu dàng, bộ lông dài óng ả và bản tính vui tươi, dễ mến. Shih Tzu là giống chó hiền lành, tình cảm và rất gần gũi với chủ, tuy nhiên khá khó gần với người lạ do hơi nhút nhát. Giống chó này khá tinh nghịch khi ở nhà một mình, chúng thích chạy nhảy loăng quăng và cắn xé những vật mềm. Shih Tzu là giống chó khá có bản tính khá đặc biệt, tính cách của chúng khá thân thiện gần gũi, hiếu động, và thông minh, nhưng đôi khi chúng cũng tỏ ra bướng bỉnh và cứng đầu, cần phải có phương pháp huấn luyện đúng cách, nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Tuy nhiên với tính khí thất thường của loài chó này thì không nên cho chơi với trẻ em.

Shih Tzu được coi là một giống chó rất quý. 

Đây là giống chó khá nhỏ, có chiều cao phổ biến từ 20 – 25 cm và cân nặng từ 3 – 8 kg. Lông chó Shih Tzu rất dài, hầu hết những chú chó Shih Tzu sẽ có bộ lông dài quét đất khi trưởng thành nếu không được cắt tỉa. Đầu rộng và tròn, đặc biệt là có đôi mắt to tròn và khoảng cách giữa 2 mắt xa nhau, mũi rộng, mõm vuông và khuôn mặt ngắn, khuôn mặt phủ đầy lông rậm và dài, nhúm lông dài trên đầu thường được cột gọn, đôi tai mọc thấp hai bên đầu rũ xuống và chiếc đuôi cong cong lên sau lưng. Lông chúng thường có màu sáng, có thể là màu trắng, vàng, kem đơn sắc hoặc pha nâu, pha vàng hoặc đen. Bộ lông khi bé ngắn và xoăn tự nhiên nhưng sẽ dài và thẳng hơn khi lớn. Những chú chó Shih Tzu có bộ lông rất thẳng và mượt hầu hết là do được là ép rất công phu. 

Theo ông Nguyễn Văn Tú (chủ cửa hàng bán chó cảnh trên phố Trường Chinh, Hà Nội), hiện nay chó Shih Tzu thuần chủng hoàn toàn do số lượng ít nên nhiều người cho lai với các giống chó nhỏ lông dài khác như Bắc Kinh, Bắc Kinh lai Nhật. Con lai giữa các giống này khi còn nhỏ rất giống với Shih Tzu thuần chủng nên dễ bị mua nhầm giả như không có kinh nghiệm, chúng chỉ dễ phân biệt khi được khoảng ba tháng tuổi do lông của Shih Tzu thuần sẽ dài, thẳng và mượt hơn, lớp lông ở đỉnh đầu cũng dài hơn nhiều so với những chú chó bị lai. Giá chó Shih Tzu thuần chủng ở Việt Nam hiện tại khoảng một.5 – 4 triệu / con. Những con nhập từ Thái Lan sẽ giá cao hơn chút, tầm 5 – 8 triệu/con.

Loài chó này nên cho ăn thức ăn riêng của chúng là các thức ăn khô, mỗi ngày từ nửa bát đến 1 bát. Ngoài ra, có thể cho chúng ăn thêm thức ăn khác của con người nhưng nên hạn chế vì chó dễ mắc bệnh đường ruột.

Do có bộ lông hết sức dài và dày nên chúng cần được chăm sóc nhiều, nếu không sẽ bị rối. Bộ lông của chúng có màu rất đa dạng, nhưng nếu có một vệt trắng sáng bóng trên trán và chỏm đuôi cùng màu trắng thì sẽ được đánh giá cao. Chó Shitzu cần được vận động vừa phải và có thể thích đuổi theo một quả bóng. Chúng thích chơi đùa và sẽ tham gia hết mình vào bất kỳ trò vui nào. Chúng có mũi ngắn, mắt to nên dễ bị thương do va chạm trầy trượt nên khi nuôi giống chó này cần phải kiểm tra mắt hàng ngày. Giống chó Shih Tzu rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, chúng không chịu được môi trường thời tiết nóng ẩm, cần cho chúng sống trong môi trường mát mẽ và thoáng đãng.

Loài chó này cũng thường sủa rất nhiều vì vậy nên cho chúng ở trong nhà để tránh chúng làm ồn, phá phách hay đào xới. Bản tính hiếu động nên chúng cần được đi dạo chơi ngoài trời hàng ngày để thư giản và hạn chế béo phì. 

Shih Tzu có tuổi thọ trung bình từ 11-16 năm. Trong quá trình đó, chúng có thể bị mắc một số bệnh nhẹ như loạn sản thận (các tế bào thận tăng trưởng bất thường), dị tật lông mi, quặm, teo võng mạc, viêm tai ngoài, sai khớp xương bánh chè, thoát vị bẹn. Ngoài ra, chúng còn có thể mắc một số bệnh nghiêm trọng khác như loạn sản xương hông, đục thủy tinh thể hay các vấn đề về răng. 

Nuôi cá neon trong bể thủy sinh

 Cá neon ở Việt Nam còn được gọi là cá huỳnh quang (vì sáng như bóng đèn), còn có loài neon đỏ gọi là neon vua. 

Cá neon có hai sọc xanh – đỏ chạy dọc thân, vảy lấp lánh ánh bạc. Con đực có vây lưng và vây hậu môn dài, rộng và sặc sỡ, trong khi con cái tròn hơn, bụng to hơn. Cá có kích thước nhỏ, khi trưởng thành mới đạt từ 3 -4 cm.

Cá neon có màu sắc bắt mắt, phù hợp nuôi trong bể thủy sinh. 

Theo ông Nguyễn Tât Viên (hội viên hội cá cảnh ở Hà Nội), cá neon khó nuôi dưỡng, dễ bị chết khi môi trường nước thay đổi đột ngột hoặc bị ô nhiễm. Khi bị bệnh, cá trở nên nhợt nhạt, mất màu đỏ lấp lánh trên thân, dấu hiệu này thường bắt đầu từ dưới cuống đuôi, rồi lan dần lên phía trước thân, sau đó một thời gian thì cá chết. Ngoài ra, trong môi trường nước bẩn, nghèo oxy, cá cá không đẻ trứng hoặc trứng sẽ bị cứng. Khi nuôi loài cá này nên nuôi theo đàn. Nếu đảm bảo được điều kiện sống tốt cho cá, cá có thể sống đến 10 năm

Nuôi cá neon trong bể thủy sinh cần nuôi với các loài cá hiền khác như cá bảy màu, cá đuôi kiếm,.. Không nên nuôi với những loài vây dài, kích thước lớn, cá này cũng dễ bị cá lớn ăn thịt. Trong bể trồng nhiều cây thủy sinh, do cá ưa sống ở tằng nước giữa nên có không gian tầng mặt và giữa cho cá bơi lội. Nhiệt đội thích hợp cho sự phát triển của cá từ 20 - 26 độ C, độ pH thích hợp: 5 - 7, độ cứng nước (dH): 5 - 20. Khi nuôi cá cần chú ý nên chú ý, trồng cây lạ hay dùng bất cứ thứ gì cho vào hồ làm thay đổi pH sẽ khiến cá chết.

Cá cần môi trường nước có chất lượng nước ổn định để cá khỏe và lên màu sắc đẹp. Cá cũng lên màu đẹp khi nuôi chung cá đực và cái trong đàn, tỉ lệ đực cái là 1:2. Cá ăn tạp, thức ăn gồm ấu trùng côn trùng, trùng chỉ, cung quăng, mùn bã thực vật đến giáp xác, bo bo, thức ăn viên cỡ nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Liên (bán cá cảnh trên đường Kim Giang, Hà Nội) cho biết: " Loài cá neon này nhỏ, giá rẻ chỉ khoảng từ 5.000/con -10.000/con. Trước khi mua cá nên chuẩn bị thùng xốp chứa nước có thả rong rêu và vài ba lá bàng khô rửa sạch. Ngâm đến khi lá mục và thay bằng lá khác. Mua cá neon về thả nuôi trong thùng xốp đã chuẩn bị này, nuôi khoảng hơn 1 tháng cho cá ăn ít 2 ngày 1 lần, khi cá ổn định và mạnh khỏe sau đó thả cá vào hồ thủy sinh của chúng ta nuôi bình thường (hồ đã ổn định đã có cá nuôi), khi này cá rất khỏe và ít bệnh. Lý do nuôi cá trước bằng nước lá bàng là vì nước lá bàng có khả năng làm giảm pH và sát khuẩn.

Nuôi cá sặc gấm

 Cá sặc gấm rất khỏe, dễ nuôi, thích hợp cho người mới nuôi cá cảnh. 

Cá chịu được ngưỡng ôxy thấp nhờ có cơ quan hô hấp phụ, thường lên thở khí trên mặt nước. Loài cá này có chiều dài khoảng 4 – 6 cm, thân có dạng hình oval, màu xanh pha nâu, trên mình có những dãy điểm màu xếp thành từng đôi, gồm những điểm xanh lam hay lục, xiên và hẹp làm cho cá có vẻ như có vạch. Phần trước bụng cá màu xanh dương, vây lưng và vây hậu môn dài, vây đuôi dạng quạt, vây bụng có dạng sợi và kéo dài. Tất cả các vây trừ vây ngực thì viền đỏ, xen những chấm đỏ như máu.

Cá sặc gấm hiền lành nên dễ nuôi chung với các loài cá khác.

Con đực có màu sắc sặc sỡ hơn con cái, vây lưng nhọn, vây bụng đỏ. Trong mùa sinh sản cá đực có những đám màu xanh chàm ở cổ họng và bụng, vây bụng có màu da cam.

Theo anh Trần Văn Trí (chuyên bán cá cảnh tại phố Hoàng Hoa Thám), cá sống thích hợp ở môi trường có PH = 6.5 – 7, nhiệt độ : 25 - 30 độ C, môi trường nước trong sạch không bị ô nhiễm, nếu nuôi trong điều kiện nước cũ và dơ cá thường bị bệnh. Thức ăn của cá là trùn chỉ, lăng quăng, ấu trùng giáp xác, ... Hiện nay giá loại cá này được bán với giá khoảng từ 10.000 đồng - 15.000 đồng / 1 cặp.

Loài cá này có thể sinh sản sau 5 tháng tuổi và thường đẻ vào mùa mưa. Cá đực làm tổ bằng bọt khí và thực vật trên bề mặt nước. Cá cái đẻ trứng vào tổ, cá đực ấp và giữ trứng. Sau khi cá cái đẻ xong thường bị cá đực rượt cắn ( có khi đến chết ) nên cần phải vớt cá cái ra riêng. Cá cái mỗi lần đẻ khoảng 800 – 1500 trứng. Đến ngày thứ tư thì có thể tách cá đực nuôi riêng, hoặc có thể tách ổ trứng sang bể ấp mới, không cần cá bố chăm sóc. Cá cái có thể đẻ lại sau 2-4 tuần tùy thuộc vào nhiệt độ, dinh dưỡng và chế độ chăm sóc của người nuôi.

Có thể nuôi cá sặc gấm trong hồ kiếng, bình thủy tinh, hồ xi măng...không cần bơm oxy giống như cá bảy màu. Cá sặc gấm khỏe và lên màu tốt nhất trong bể trồng nhiều cây thủy sinh với một ít thực vật nổi như bèo và súng tạo giá thể trú ẩn và nơi đẻ trứng cho cá. Bể cần có nắp đậy, nhiều ánh sáng và không gian cho cá bơi lội. Cá hiền, thích hợp trong bể nuôi chung với các loại cá cảnh thủy sinh khác.

Chọn cá ngựa vằn theo màu nuôi trong hồ thủy sinh

 Cá ngựa vằn hay còn gọi là cá sọc ngựa là loại cá nước ngọt hiền lành có thể nuôi chung với các loài cá khác. Loài cá này rất khỏe ít bệnh tật, dễ nuôi, có thể sống trong các bể có kích thước bé mà không chết. Chính vì vậy loài cá này phù hợp với những người mới chơi cá cảnh. 

Cá ngựa vằn thích hợp thả bể thủy sinh. 

Loài cá này khá nhỏ, khi trưởng thành chỉ đạt độ dài từ 5 cm- 6cm. Nhiệt độ nước thích hợp cho cá phát triển từ 20 -28 độ C, độ pH khoảng 6,0 - 8,0. Theo anh Trần Minh Tú chuyên bán cá cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), cá ngựa vằn không chỉ có trắng sọc đen mà còn có màu đỏ, vàng,...Loại cá này có giá khá rẻ chỉ tự 2.000 đồng/1 con đến 6.000 đồng/1 con, tùy loại. Loại cá này ăn tạp, từ giáp xác nhỏ, ấu trùng côn trùng, trùn chỉ, đến thức ăn viên dạng nổi. Cách để phân biệt cá ngựa vằn đực là thường có vây lưng và vây bụng rất dài cá người thon nhỏ hơn cá mái. 

Tuy loài cá ngựa vằn dễ sống ít bệnh tật nhưng vẫn phải quan tâm đến môi trường nuôi đảm bảo cho sự phát triển của chúng. Ông Nguyễn Văn Lâm (Thành viên Hội cá cảnh Hà Nội) cho biết: "Chất lượng nước trong bể nuôi cá cảnh ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, khả năng miễn dịch của cá, sự hô hấp và trao đổi chất của cá đến môi trường xung quanh. Để có chất lượng nước tốt cần phải có hệ thống lọc nước hiệu quả, bạn nên sử dụng các loại lọc có hiệu quả lọc cao như lọc ngoài, lọc tràn …. Thay nước theo định kỳ túy theo loại cá, số lượng cá... Khi thay nước bạn nên nên sát khuẩn bể cá để diệt các mầm bệnh. Ngoài ra đối với các thiết bị thường dùng trong bể cá cũng cần chú ý ánh sáng vừa phải, máy lọc nước công suất trung bình, sục khí không quá mạnh.

Ông Lâm cũng chia sẻ, hiện nay nước máy được sử dụng khá phổ biến, trong nước máy thường chứa chất sát khuẩn, nhất là clo gây hại cho cá. Nếu sử dụng trực tiếp nước này nuôi cá thì cá có thể sẽ chết. Vì vậy, nếu muốn dùng nước máy nuôi cá thì nên đổ nước ra một chiếc thau để nước sau khoảng 24 tiếng cho clo bay đi hết rồi với cho vào bể cá hoặc sau khi nước bơm lên bồn chứa sau 24 tiếng mới được sử dụng.

Nên cho cá ăn vừa đủ không nên để thức ăn dư thừa tránh làm thừa nhiều thức ăn gây ảnh hưởng đến chất lượng nước bể cá của bạn. Cho cá ăn 2 lần/ngày. Ngoài thức ăn khô, tùy loại cá mà ta nên bổ sung thêm thức ăn tươi như trùn chỉ. Khi nuôi cá này, nên mua ít nhất từ 8 đến 10 con để cá có đàn, dễ sinh sống và phát triển.

Cá này cũng dễ sinh sản trong bể nuôi, đẻ trứng trên giá thể mềm đặt ở đáy. Sau khi đẻ, cần tách trứng khỏi cá bố mẹ, trứng nở sau 2 – 3 ngày. Khi nuôi cá trong bể thủy sinh ccần chú ý các loài cá có cùng tập tính dễ nuôi chung với nhau. Cá sống trong cùng một bể tránh để cá lớn ăn thịt cá bé hoặc cá to như cá chép, cá vàng …. nuôi chung với cá nhỏ như cá neon, cá bảy màu, cá thần tiên.

Kỹ thuật cách nuôi gà Serama

 Gà Serama hay còn gọi là gà tre Mã Lai, gà thượng lưu hay gà vương giả hay gà thành phố là một giống gà có nguồn gốc từ Mã Lai và được lai tạo từ hơn 50 năm nay.  Với màu lông đa dạng, bắt mắt, cùng với dáng đứng "độc, lạ" và khá dạn người nên loài gà này đã trở thành vật cưng ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, giá của những con gà chỉ từ 300g - 500g có thể lên đến gần 30 triệu đồng.

Gà Serama là loài gà đắt đỏ, có những con được bán với giá vài chục triệu đồng. 

Serama là giống gà tre nhỏ và nhẹ nhưng khác biệt hơn với các giống gà khác là về dáng đứng, nhiều người mô tả đó là dáng đứng kiêu hãnh của một chiến binh với với ngực nở, thân hình thon gọn, cánh khá lớn thẳng chạm đất, phủ kín chân, thân thon dần về phía đuôi.

Đối với loài gà này, sau khi đẻ trứng phải mất khoảng 21 ngày cho gà con để phát triển và nở. Gà con mẫn cảm hơn với nhiệt độ lạnh so với các giống gà khác vì kích thước nhỏ tương đối của chúng. Sau khi nở, nó mất khoảng 16-18 tuần cho gà con đến trưởng thành và bắt đầu đẻ trứng

Để huấn luyện được gà Serama là cả một sự kỳ công tỷ mỉ từ chế độ ăn uống đến việc huấn luyện đòi hỏi người chơi phải có nhiều thời gian. Để có được một con gà có dáng đứng đẹp đòi hỏi người chơi phải trải qua một thời gian dài kiên trì luyện tập cho gà.

Theo anh Tú Đăng (một trong những người chơi gà Serama tại Hà Nội), trong những người trẻ đầu tiên chơi gà Serama tại Hà Nội, đối với người chơi, thì dáng Rồng là một trong những dáng được người chơi ưa thích nhất và nó cũng là chuẩn ở hầu hết các cuộc thi Serama.  Đối với loài gà này chế độ chăm sóc cần cực kỳ tỉ mỷ, nhất là công đoạn tạo dáng. 

 Anh Tú Đăng cũng chia sẻ kỹ thuật massage làm nở ngực và tạo dáng cho gà Serama, theo bản năng, gà serama thường đứng thẳng vươn người, ưỡn phồng ngực trước bạn tình hay đối thủ cạnh tranh. Để hỗ trọ cho gà có dáng đứng thẳng ổn đinh, mỗi ngày nên luyện cũng như massage cho gà từ 30 đến 40 phút.

Bước đầu tiên, dùng tay trái nắm giữ chân và thân sau gà, chèn ngón tay cái và ngón trỏ vào hai bên nách cánh, các ngón còn lại nâng trước ngực, thực hiện kéo và giữ.  Sau đó, ngón giữa hỗ trợ phía dưới và nâng lên ngực. Bước thứ hai làm động tác massage các cơ ngực dưới cổ gà nhằm làm kích thích giãn nở cơ ngực. Nắm gà giống bước đầu, cẩn thận giữ cho đầu của gà serama thẳng luôn luôn hướng về phía trước, dùng ngón tay trái nhấn sau cổ gà để tạo thế ưỡn ngực, cần thận trọng để tránh thương tích / bong gân.

Nhằm thiết lập ức gà nở tối ưu. Đặt con gà Serama đứng trên bàn. Cả hai ngón tay cái giữ các xương đuôi, cả hai ngón út giữ chân gà, 3 ngón tay còn lại của tay phải và trái massage đều vào ngực gà. Việc tạo dáng gà mất thời gian khá dài trong một vài tháng.

Kỹ thuật cách nuôi chó Alaska

 Giống chó Alaska (tên đầy đủ là Alaskan Malamute) là một giống chó hoang dã được thuần hóa. Chó Alaska, có vóc dáng to lớn, thân hình dũng mãnh và những nét rất đặc trưng của loài chó sói hoang dã. Chó Alaska có chiều cao trung bình từ 60 – 70 cm, và nặng từ 35 – 55kg.

Chó Alaska có một tỉ lệ rất cân đối giữa chiều cao, cân nặng, khung xương và cơ bắp. Những chú chó Alaska thuần chủng có chân rất lớn, cơ bắp và cơ bắp vì thế trước đó, loài cho này từng được nuôi để phục vụ cho công việc kéo xe nặng nhọc. Chó Alaska thường có mắt màu nâu hoặc nâu đen. Tai nhỏ và đầy lông tơ. 

Chó Alaska là loài chó dễ huấn luyện. 

Mũi và mõm chó Alaska to khỏe nhìn cân đối với đầu, mõm không dài, thuôn nhỏ dần về phía mũi nhưng không nhọn. Hai môi có viền mép đều phủ kín, hàm trên và dưới rộng, răng lớn. Đặc biệt, chó Alaska có bộ lông dày rậm không thấm nước, bộ lông của chó alska có những màu sắc khác nhau được chấp nhận như màu trắng pha xám đen, trắng pha xám lông chồn, trắng pha đen, trắng pha đỏ, nâu đỏ hoặc trắng tuyền. Đặc điểm rõ nhất cho dù Alaska có màu lông nào chăng nữa thì mõm và 4 chân phải là màu trắng.

Thức ăn và dinh dưỡng của chó Alaska

Ông Nguyễn Văn Dũng (chủ cửa hàng chuyên bán chó cảnh trên đường Trường Chinh, Hà Nôi) tư vấn, dòng chó Alaskan có cơ thể to lớn và khỏe mạnh, tuy nhiên hệ tiêu hóa của chó Alaska khá kém có thể dẫn đến viêm đường ruột, vì vậy để nuôi dưỡng và chăm sóc tốt cho thể chất của loài chó này thì cần phải chú ý đến các chế độ ăn uống cho chó hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng cho chó để giúp con chó phát triển tốt.

Cũng như các giống chó khác, thức ăn của chó Alaska cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ các chất đạm, protein, canxi, các khoáng chất và vitamin để giúp chó phát triển toàn diện sức khỏe, thể lực, vóc dáng và bộ lông. Chó alaska con từ 1 - 2 tháng tuổi nên cho ăn cơm nhão trộn với thịt nạc, thịt gà xay, cho ăn loại thức ăn khô ngâm mềm với nước ấm. Chia thành 4 - 5 bữa nhỏ trong ngày.

Chó Alaska từ 3 - 6 tháng tuổi cho ăn cơm trộn với các loại thịt như thịt heo, bò, gà, bổ sung trứng gà, rau củ, thức ăn khô để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho chó phát triển, thức ăn của chó alaska ở độ tuổi này không nên nấu quá nhuyễn hay quá loãng. Ở giai đoạn này nên tránh cho chó ăn các loại xương lớn vì sẽ gây nguy hiểm cho chó. 

Khi chó Alaska từ 6 tháng tuổi trở đi bắt đầu cho chó ăn 2 - 3 bữa ăn mỗi ngày, lúc này cần tăng cường khẩu phần ăn và các thực phẩm nhiều canxi từ thịt, xương, đầu cổ gà, nội tạng động vật, protein, đạm, thức ăn khô dành cho chó lớn, các loại rau xanh, củ quả, trái cây như bí, bắp cải, rau cần, cà rốt, củ cải, dưa leo, các loại đậu hạt,... Giai đoạn này nên cho chó gặm xương động vật, ăn thịt nguyên khối để rèn luyện cơ hàm cho chó, tuy nhiên lưu ý không nên cho chó ăn quá nhiều xương trong một ngày vì chó rất dễ bị táo bón.

Cách vệ sinh cho chó Alaska

Do có bộ lông dày nên để giữ cho bộ lông Alaska luôn mượt và đẹp, cần phải vệ sinh lông hàng ngày, chải chuốt hàng tuần, tắm gội hàng tháng (hoặc 2 tháng). Khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, cần đánh răng ít nhất 2 lần / tuần để ngăn bệnh răng miệng và hơi thở có mùi. Khẩu phần ăn của Alaska có nhiều thịt nên miệng chúng rất dễ bị hôi.

Ở xứ lạnh, chúng sẽ làm sạch răng miệng bằng tuyết, còn ở Việt Nam không có tuyết nên bạn cần đánh răng cho chúng thường xuyên. Nên thực hiện việc chăm chút, chải lông và đánh răng cho loài chó này từ sớm để chúng quen với những việc này. Dần dần chúng sẽ thích thú và tận hưởng khi được bạn vuốt ve, chải chuốt.

Huấn luyện khi nuôi chó Alaska

Alaska có tập tính bầy đàn và tổ chức rất chặt ché, và trong đàn thì 1 cá thể luôn phải nghe lệnh con bầy đàn. Việc huấn luyện chó Alaska về cơ bản tương đối dễ. Điều quan trọng nhất là bạn phải làm cho chúng hiểu lệnh và biết cách ra lệnh cho chúng.

Dù là giống chó có họ hàng gần với chó sói, tuy nhiên bản năng săn mồi của Alaska không hề mạnh mẽ (do qua nhiều thế hệ chỉ được lai tạo chuyên biệt cho việc kéo xe). Chúng rất hiền, hiếm khi đuổi theo các vật nuôi nhỏ, tha lôi đồ đạc hay tấn công người và những chú chó khác, trừ trường hợp bị tấn công trước, nên việc huấn luyện giao tiếp xã hội cũng khá nhẹ nhàng.

Kỹ thuật cách nuôi cá đuối nước ngọt

  Cá đuối nước ngọt hay còn gọi cá sam - một chi cá đuối nước ngọt trong họ Potamotrygonidae thuộc bộ cá đuối. Chúng được ưa chuộng để nuôi làm cảnh với giá cả rất đắt.

Cá đuối nước ngọt là loài cá được xếp vào nhóm những loài cá cảnh đắt đỏ hàng đầu ở Việt Nam.


Cá đuối nước ngọt khi trưởng thành có thể đạt kích thước 50–60 cm. Theo anh Tuấn Minh (chủ cửa hàng bán cá cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám), một con cá đuối nước ngọt khỏe, đẹp, giống tốt thường được đánh giá căn cứ trên vài đặc điểm như 2 mắt giương cao, mắt sáng, có đốm hoa trong mắt, khoảng giữa 2 mắt phẳng nhẵn, đốm viền rõ nét, đuôi thẳng không lộ gai cái, sam có sức khỏe tốt, đốm hoa đẹp, dày đốm và có cả đốm bụng rất hiếm. Loài cá này có độc, chúng có một cái gai nhọn có độc hình răng cưa nằm phía sau đuôi. Khi bị gai đâm phải thì sẽ tạo nên vết rộp lớn và cảm giác cực kì bỏng rát. Cá sam là loài chủ yếu sống ở tầng đáy và rất dễ nuôi. Loài này có rất nhiều các loại cá sam khác nhau và được phân biệt chủ yếu qua màu sắc và hoa văn.

Anh Minh cũng tư vấn cách chọn cá đuối nước khỏe mạnh, mình dầy, háu ăn.Không chọn cá có dấu hiệu nấm bệnh, yếu, tuột nhớt. Nên lựa chọn cá Sam cùng kích thước. Tránh mua cá bị xước sát người, viền bị sứt mẻ.

Ông Nguyễn Phi Hùng chuyên sưu tầm những loài cá độc lạ cho biết, cá đuối nước ngọt có cách bơi lội vô cùng uyển chuyển cách uốn lượn thực sự đẹp mắt. Hầu hết cá đuối nước ngọt lớn rất nhanh và nếu được chăm sóc thích hợp thì chúng sẽ nhanh chóng phát triển vì vậy chúng cần hồ có kích thước lớn, thậm chí ngay từ khi mới thả. Tốt nhất nên nuôi riêng cá đuối. Nuôi chung cá đuối nước ngọt với các loài khác có thể gặp rủi ro, một số loài cá nhỏ hơn sẽ bị loài cá này nuốt. Cá đuối khỏe mạnh rất phàm ăn và chấp nhận nhiều loại thức ăn khác nhau. Thích hợp nhất là thức ăn tươi sống. Cá đuối cũng chấp nhận thức ăn tự chế biến và thức ăn viên chìm chế biến sẵn. Thỉnh thoảng nên đổi thức ăn như trùn chỉ, sâu, cá… để cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Môi trường nước nuôi cá đuối nước ngọt cũng rất quan trọng và cần được lưu tâm hơn so với các loại cá khác trong bể. Nhiệt độ cho cá từ 26 tới 33 độ C, cá dễ bị bệnh ở nhiệt độ nhỏ hơn 25 độ C và lớn hơn 35 độ C. Nồng độ muối trong nước không được vượt quá 3/1000. Không sử dụng các loại thuốc, hóa chất chống chỉ định cho cá đuối nước ngọt. Loài cá này cũng rất nhạy cảm với độ PH, quá cao hoặc quá thấp đều gây bệnh cho cá. Vì cá ăn rất nhiều nên lượng chất thải cũng rất lớn, do đó cần thay nước đều đặn để duy trì độ PH ổn định. Ngoài ra, cá đuối nước ngọt rất kỵ với Clo trong nước máy, do đó cần có bể trữ nước để hạn chế thay nước máy trực tiếp vào bể cá.

Kỹ thuật cách nuôi cá Koi Nhật Bản

 Cá chép Koi hay cụ thể hơn Cá chép Nishikigoi là một loại cá chép thường (Cyprinus carpio) đã được thuần hóa, lai tạo để nuôi làm cảnh trong những hồ nhỏ, được nuôi phổ biến tại Nhật Bản. Chúng có quan hệ họ hàng gần với cá vàng và trên thực tế, kiểu cách nhân giống và nuôi cảnh là khá giống với cách nuôi cá vàng. Cá chép Koi được người Nhật coi là điềm may mắn.

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều người tìm mua loại cá này về làm cảnh. Theo kỹ sư nông nghiệp Mai Văn Tuấn, Cá Koi thuộc họ cá chép nên mang đặc tính của cá chép nói chung đó là dễ nuôi và mau lớn, nhưng cá Koi rất nhạy với sự thay đổi của môi trường. Vì vậy cần đặc biệt lưu ý đến nước nuôi cá cũng như thức ăn cho cá.

Cá Koi được coi là biểu tượng của sự may mắn.  

Hồ nuôi cá Koi

Độ sâu của hồ: hồ không nên sâu quá 1,5m. hồ nên có những khoảng sâu khác nhau. Hồ cá Koi có thể thiết kế lửng hoặc ở dạng âm xuống đất. Thành của hồ cá nên có màu sẫm hoặc tối. Khi xây xong hồ nên ngâm nước và xả nhiều lần và sát trùng bể cá. Sau 24 giờ có sục khí, bạn tiến hành cấy vi sinh vật có lợi. Sau đó một ngày, bạn có thể thả cá vào bể.

Nước nuôi cá phải luôn được giữ trong sạch. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, nhiệt độ, pH, NH3…Nồng độ pH luôn phải từ 7 – 7.5 được coi là lý tưởng. Nên tránh sự thay đổi độ pH quá bất ngờ đột ngột vì như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của cá.

Chú ý đến các loại rong tảo phát triển trong nước, nếu rong tảo phát triển quá nhiều có thể làm cá nghẹt thở. Ðể làm giảm sự phát triển của rong tảo bạn có thể trồng thêm những loại cây trong nước như sen, cỏ sậy quanh hồ, một thác nước nhỏ hoặc một vòi phun nước (dạng giếng phun) cũng có tác dụng đáng kể.

Chọn giống khi nuôi cá Koi Nhật Bản 

Chọn con giống khỏe mạnh, màu rõ nét, dáng bơi thẳng, sức khỏe tốt. Về hình dáng của Koi giống: cân đối, không xây xát, không dị hình, màu tươi sáng, rõ nét, khỏe mạnh, bơi lội, phản ứng nhanh, dễ thích nghi với môi trường nước mới.

Vận chuyển cá giống về thả cần phải nhẹ nhàng, không làm cá bị trầy xước. Không nên vận chuyển cá với mật độ dày để cá được khỏe mạnh và hạn chế nhiễm bệnh sau khi thả. Nên thả cá vào buổi sáng hoặc chiều mát, tránh lúc trưa nắng gắt.

Trước khi cho cá vào môi trường nước mới, nên để bao chứa cá ở hồ khoảng 15-20 phút để thuần nhiệt độ, sau đó mới mở miệng bao thả cá. Điều này sẽ giúp cá không bị sốc khi tiếp xúc với môi trường mới.

Thức ăn khi nuôi cá Koi Nhật Bản 

Cá Koi là loài ăn tạp, từ 3 ngày tuổi, sau khi tiêu hết noãn hoàng, chúng có thể ăn các thức ăn bổ sung như bo bo, các sinh vật phù du,... Khi được nửa tháng, Koi chuyển qua ăn các động vật tầng đáy như giun, loăng quăng.. Để đảm bảo sự sống cho Koi, người nuôi cần chú ý gây nuôi các sinh vật tầng đáy, nhằm cung ứng đủ lượng thức ăn cho cá

Từ 1 tháng tuổi trở đi cá chuyển sang ăn các động vật nhỏ như giun, ốc, ấu trùng…giống như cá trưởng thành. Ngoài ra, cá còn ăn cám, bã đậu, phân xanh, thóc lép, các thức ăn chế biến sẵn cho cá. Trên thị trường hiện nay, các thức ăn chế biến sẵn có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu được chế biến từ gạo, bột mì, bột bắp pha thêm các vitamin và bột cá.

Lưu ý khi cho cá ăn đó là không nên cho ăn quá nhiều vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến dáng cá và lượng thức ăn dư thừa cũng như chất thải của cá sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, không tốt cho cá. Khẩu phần ăn vào khoảng 5% trọng lượng cơ thể cá, cho ăn 2 lần trên ngày. Các loại thức ăn tươi sống nên hạn chế, và nên dùng loại đông lạnh để tránh mang mầm bệnh cho cá.

Kỹ thuật cách nuôi cá rồng ngân long

 Cá rồng ngân long hay còn gọi là cá ngân long, cá rồng bạc, ngân đới,... Đây là loài cá cảnh phong thủy mang lại tài lộc cho người nuôi nên được hầu hết các chủ doanh nghiệp nuôi tại đại sảnh công ty hoặc tại nhà riêng. Ngoài ra, cá rồng ngân long còn rất được yêu thích bởi những người mới chơi cá rồng.

Cá rồng ngân long là loài dễ nuôi hơn so với các loại cá rồng khác.


Cá này có kích thước tương đối lớn, cơ thể dài, đầu to và một cái đuôi nhọn, nhỏ, với vây lưng và vây hậu môn kéo dài về phía vây đuôi nhỏ, nơi chúng gần như hợp nhất. Khi cá còn non, vây lưng cá có màu phấn hồng, ánh xanh lam. Thân cá màu sáng bạc ánh hồng. Cá trưởng thành vẩy to như vỏ sò, dạng nửa tròn, đường bên cá có 31-35 vẩy. Toàn thân cá là màu trắng như kim loại xen lẫn ánh xanh lam và phấn hồng lấp lánh. Cá rồng ngân long có kỹ năng săn mồi rất tốt trong giới cá rồng nên chúng có thể phát triển mạnh mẽ ngoài tự nhiên.

Anh Tuấn Duy (Ba Đình, Hà Nội) chuyên sưu tầm các loại cá rồng cho biết, Cá rồng ngân long dễ nuôi, có sức sống khỏe nên người mới bắt đầu chơi cá rồng cũng nên bắt đầu từ cá ngân long để lấy kinh nghiệm. Cá rồng ngân long mang nét đẹp uy nghi của loài cá rồng, thậm chí hình dáng hùng dũng và hoạt động của chúng uyển chuyển. Tuy không có màu sắc sặc sỡ nhưng ngân long có lớp vải ánh bạc sáng lấp lánh rất đẹp.

Theo các kỹ sư nông nghiệp, hồ kính phải có kích thước lớn (tối thiểu khoảng 120 x 60 x 60 cm), ban đầu tuy trống trải (cá có kích thước nhỏ khoảng 20 - 30 cm) nhưng về sau khỏi phải thay hồ vì ngân long phát triển nhanh, dài 60 - 70 cm (nuôi ao hồ, cá có thể dài khoảng 1,2 - 1,5 m). Hồ rộng cá dễ vận động cũng như thể hiện khả năng “biểu diễn” của mình. Kính hồ dày và che đậy cẩn thận do cá hay phóng cao. Hồ nuôi cá ngân long không cần trang trí tiểu cảnh hay đá sỏi, phải có hệ thống lọc. Môi trường nước nuôi ngân long tương đối dễ, pH 7 - 8.

Cá ăn thiên về động vật từ cá nhỏ, côn trùng, sâu bọ đến ếch nhái, tôm tép ... Cá cũng ăn thức ăn đông lạnh và thức ăn viên. Thức ăn của cá rồng ngân long là các lọai cá con (cá chăm, chép con có bán tại các tiệm cá cảnh), côn trùng, động vật thân giáp (giáp sát như: tôm, tép).

Cần lọc nước thường xuyên, tránh nước dơ ảnh hưởng đến vảy cá. Khi cá đạt kích thước khoảng 30 - 40 cm bắt đầu chuyển sang màu trắng ánh bạc, giai đoạn này giữ nước tốt, mở đèn để vảy cá sáng óng (ít nhất 4 - 5 giờ/ngày). Hồ cá đặt nơi tối, nước dơ, thiếu ánh sáng màu vảy cá sẽ đục không đẹp. Phông nền hồ nuôi cá ngân long cần màu trắng sáng, hạn chế màu tối xanh đậm, đỏ, cam...

Loài cá này dễ mắc bệnh xoăn mang. Nguyên nhân bị bệnh là do không thay nước thường xuyên khiến cho lượng nitrat, amoniac trong nước tăng cao, lượng oxi giảm nên dẫn tới việc thở của cá gặp khó khăn. Một số loại vi khuẩn ký sinh trong mang khiến cho các cơ cấu mang bị viêm và đẩy vỏ mang phình lên.

Ngoài ra cá có thể còn mắc bệnh trướng bụng. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống. Vì vậy nên tránh cho cá ăn quá no. Nếu cho ăn tôm thì nên bóc cả đầu và râu trước khi cho vào bể vì đầu tôm có 1 cây kiếm có thể đâm thủng ruột cá. Nếu cho ăn dế, gián, châu chấu thì nên ngắt bỏ càng và chân tránh hiện tượng hóc. Nếu cho cá rồng ăn động vật thì phải còn sống, tránh cho ăn động vật chết. Vậy nếu thấy cá bỏ ăn, bụng hơi to thì nên thay 1/3 lượng nước hồ cá rồng, tăng cường bơm hơi, tăng lượng muối và duy trì nhiệt độ ở 30 độ C và có thể thêm một lượng metronidazol rồi theo dõi.

Nuôi cá rồng đỏ tiền bạc 'ào ạt' vào nhà

  Cá rồng là loài cá phong thủy sở hữu một ngoại hình vô cùng nổi bật nhờ mang chiếc vảy óng ánh, giống như chúng đang khoác lên người một b...